Inbound marketing là chiến lược thu hút thế giới về phía thương hiệu một cách tự nhiên và yếu tố quan trọng để ‘kéo’ khách hàng về phía bạn đó là: Cung cấp nội dung hữu ích, cung cấp nội dung hữu ích về đúng vấn đề họ đang tìm kiếm, cung cấp nội dung hữu ích về đúng vấn đề họ đang tìm kiếm có khả năng ‘định hướng’ quyết định mua hàng.
Lúc này, vai trò của website có thể so sánh với một nhân viên tư vấn – phán đoán và đưa ra những nội dung khách hàng cần vào đúng thời điểm, đúng cách nhất! Bởi vậy, một website có cấu trúc phù hợp với chiến dịch inbound marketing, không phải là nơi chỉ tập trung giới thiệu doanh nghiệp và những sản phẩm mới. Ngược lại, thay vì ‘đưa’ khách hàng về website rồi để họ thoát ra sau khi đọc xong bài viết, hãy cân nhắc về việc làm thế nào để ‘giữ chân’ và ‘dẫn dắt’ họ tiến xa hơn trong hành trình khách hàng.
Một website có cấu trúc tốt cho inbound marketing sẽ là website có khả năng tương tác với khách hàng. Và website này cần đảm bảo 2 đặc tính:
- Tuân theo quy chuẩn của các website thông thường về vị trí tiêu đề, thanh điều hướng… chẳng hạn trang ‘liên hệ’ sẽ nằm ở phía trên, bên tay phải.
- Đồng điệu cùng từng giai đoạn trong customer journey (hành trình khách hàng) để từ đó, đưa họ ‘trượt’ dần theo phễu khách hàng: từ người lạ – > đối tượng tiềm năng -> lead -> khách hàng
Thông thường, trong inbound marketing, hành trình khách hàng thường diễn ra qua 3 giai đoạn: Awareness, Consideration, Decision.
Giai đoạn Awareness
Giai đoạn đầu tiên trong hành trình khách hàng bắt đầu khi đối tượng mục tiêu thường tìm tới website của bạn thông qua các bài viết trên Google hay qua các mẫu quảng cáo trên mạng xã hội… Hiểu được đâu là ‘điểm chạm’ đầu tiên giữa bạn và khách hàng tiềm năng sẽ giúp bạn ‘điều hướng’ khách hàng hiệu quả hơn về những nơi bạn muốn.
Cách phổ biến nhất mà các website thường dùng là sử dụng Call-to-action (CTAs) tại cuối bài viết để khách hàng có thể điền form/ mua hàng chỉ sau 1 cái ‘click’. Tuy nhiên, inbound marketing là chiến lược tập trung vào sự cá nhân hóa trong nội dung cũng như ‘lộ trình’ mỗi khách hàng trải qua. Và bởi vậy, CTAs cũng nên được ‘thiết kế riêng’ dựa theo hành vi mỗi người.
Giai đoạn Consideration
Doanh nghiệp có thể dùng trang ‘cảm ơn’ nhưlà một công cụ quyền năng để ‘dẫn dắt’ khách hàng tiềm năng đến giai đoạn tiếp theo trong hành trình đưa ra quyết định. Lấy ví dụ như bạn vừa đăng ký thông tin để tải tài liệu hướng dẫn về Inbound marketing, bạn có thể biến trang cảm ơn thành ‘trang điều hướng’ đưa họ về những tài liệu họ có thể quan tâm như CRM, Marketing automation… Đôi khi đó có thể đơn giản là đăng ký nhận email hàng tuần!
Cá nhân hóa nội dung hiển thị về những chủ đề/ sản phẩm dựa trên lịch sử tương tác hoặc đôi khi là những lời chào khác nhau trên livechat như: ‘bạn đã tìm ra hệ thống CRM phù hợp chưa?’ thay vì ‘xin chào, tôi có thể giúp gì cho bạn’ dành cho những khách hàng đã quay trở lại trang web của bạn nhiều lần.
Giai đoạn Decision
Bạn có thể thiết kế riêng các ‘sales page’ cho từng nhóm đối tượng. Lúc này, vai trò của các sales page là ‘gạt bỏ’ những rào cản khiến khách hàng vẫn còn do dự thông qua các nội dung như FAQs, Case study hay testimonial…
Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng, đôi lúc khách hàng có thể ‘nhảy cóc’ từ giai đoạn awareness tới decision. Bởi vậy, khi thiết kế cấu trúc website, những CTA như ‘yêu cầu báo giá’ hoặc ‘đặt hẹn tư vấn’ luôn là những CTAs buộc phải có trong hầu hết quá trình điều hướng!
(Theo Digit Matter)